Hệ thống giao thông Thương_mại_Việt_Nam_thời_Tiền_Lê

Hệ thống đường sá giao thông thời cổ đại chưa phát triển và điều đó cản trở hoạt động thương mại. Các vua nhà Tiền Lê đã có nhiều lần thực hiện mở mang đường bộ và đường thủy từ bắc vào nam trong thời gian cai trị.

Hệ thống đường sá giao thông đường bộ và đường thủy trong nước được các vua Lê quan tâm khai thông xây dựng. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành, năm 983, Lê Đại Hành sai quan Phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến Châu Địa Lý.

Năm 1003, vua Lê Đại Hành lại thân hành đi Hoan Châu, ra lệnh vét kênh Đa Cái cho Thông thẳng đến Tư Củng trường ở Ám Châu.

Năm 1009, triều thần đề nghị xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Lê Ngọa Triều xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu Ái đào đắp từ cửa quan Chi Long[1] qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lung. Sau đó Lê Long Đĩnh lại ra lệnh đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại.

Tháng 7 năm đó, nhân đi đánh châu Hoan Đường, hành quân đến Hoàn Giang[2], Lê Long Đĩnh sai Hồ Thủ Ích đem hơn 5.000 quân của châu Hoan Đường, sửa chữa đường từ sông Châu Giáp đến cửa biển Nam Giới để tiện cho việc hành quân về phía nam.